Tiết nghĩa từ Đàm Thận Huy

Năm Bính Ngọ (1666), triều vua Lê Huyền Tông đời Lê Trung Hưng, theo lời tâu của Tham tụng Phạm Công Trứ, triều đình tuyên dương 13 công thần tiết nghĩa đời Chiêu Tông, trong đó đã nêu rõ khí tiết và công của ông, phong ông là Tiết nghĩa Đại Vương, ban thuỵ là Trung Hiến. Triều đình còn xếp ông vào hàng kiệt tiết, dực vận tán trị công thần, đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, tước phong Thiếu bảo, Lâm xuyên hầu, được gia tặng: "Tráng tiết đôn nghĩa minh di trợ hoá quang ý trắc vĩ dực bảo trung hưng thượng đẳng thần" và cho dân lập đền thờ ở làng Hương Mạc, đặt tên là "Tiết nghĩa từ", lệnh cho quan huyện hàng năm, mùa xuân, mùa thu phải đến tế. Từ đó, trải các triều đều có sắc phong tặng.

Năm 1670, vua Huyền Tông cho dựng bia đá ghi rõ tài năng, đức độ của ông.

Trước nhà thờ khắc một bài thơ vịnh sử của vua Tự Đức rằng: 

騷壇四七列群星 

生有才名死有靈 

偽敕追襃何處往 

中涂鬼化以熒熒 

Tao Đàn tứ thất liệt quần tinh, 

Sinh hữu tài danh tử hữu linh. 

Nguỵ sắc truy bao hà xứ vãng? 

Trung đồ quỷ hoá dĩ huỳnh huỳnh. 

(Ông là một trong hai tám vị Tao Đàn, xếp trong bầy sao, 

Sống nổi tiếng hiền tài, chết linh thiêng. 

Sắc truy phong của Nguỵ (Mạc) đi đằng nào? 

Giữa đường, lửa quỷ thần đã rừng rực thiêu cháy.) 

Tại nhà thờ họ Đàm Thận hiện còn giữ được 15 đạo sắc phong. Đàm Thận Huy được các triều gia phong là: "Toàn đức tuý hạnh cẩn tiết chính dung phù nguy chửng hoán đại vương". Ngày nay, ở Thành phố Bắc Giang có một đường phố mang tên Đàm Thận Huy. Còn tại đền thờ Đàm Thận Huy ở thôn Vòng (Yên Thế) có đôi câu đối ca ngợi ông như sau: 

統領黎朝靈不死 

安城譚相懔如生 

Thống lĩnh Lê triều linh bất tử, 

Yên Thành Đàm tướng lẫm như sinh. 

(Thống lĩnh Lê triều linh chẳng mất, 

Yên Thành Đàm tướng phách như còn.) [5].

Năm 1949, do yêu cầu tiêu thổ kháng chiến chống Pháp nên phải tháo gỡ đền đi dấu và phân tán trong rừng. Năm 1962, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chỉ thị khôi phục lại đền Tiết Nghĩa Từ trên nền móng cũ. Năm 1999, bộ Văn hoá Việt Nam đã xuất ra kinh phí rất lớn để trùng tu lại Tiết Nghĩa Từ. Hiện nay trong đền thờ ông vẫn còn nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hoá, nghệ thuật. Tiết Nghĩa Từ đã được bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử danh nhân văn hoá theo quyết định số 28/BVN ngày 28 tháng 1 năm 1988.

Gia quyến Đàm Thận Huy cũng được dân địa phương lập một đền tôn thờ. Ngôi chùa sau đền gọi là chùa Hoài Âm cũng là để giữ một ý tưởng ôm ấp nhớ về một kỷ niệm đẹp đẽ của hai cô gái họ Đàm trên đất này.